HSK3, HSK4 là yêu cầu phổ biến để ứng tuyển vào các công ty dùng Tiếng Trung. Nhiều ứng viên có những chứng chỉ này tưởng rằng mình đã …đến nơi rồi, nhưng một khi nghe Tiếng Trung thực tế (nói chuyện, xem show giải trí, nghe tin tức) thì “không hiểu gì cả”, cũng “không nói được gì cả”. Tại sao lại như vậy? Có phải HSK4 là không đủ, HSK5, 6 mới đủ?
Trong một diễn biến khác, các bạn HSK5 đọc bảng mô tả level Tiếng Trung:
“Những thí sinh có khả năng vượt qua HSK5 có thể đọc báo và tạp chí bằng Tiếng Trung, thưởng thức các bộ phim và vở kịch Tiếng Trung, và đọc một bài diễn văn dài bằng tiếng Trung.”
Và hoang mang “vấn đề là ở mình rồi, mình học đến HSK5 rồi, đáng lẽ mình phải thành thạo như thế kia chứ! Sao mình vẫn ú ớ?”
Nhiều người kông biết rằng họ thiếu một thứ khác. Và thứ đó chúng tôi gọi là Tiếng Trung ứng dụng – bạn có thể tìm hiểu thêm về khái niệm Tiếng Trung ứng dụng tại đây.
1 – Học gì thì giỏi nấy!
Nếu bạn thực hành nói tiếng Trung với người bản xứ mỗi ngày, bạn sẽ giỏi nói. Nếu bạn luyện viết và đọc và trả lời các câu hỏi kiểm tra mỗi ngày, bạn sẽ giỏi thi. Học HSK là để thi HSK chứ có phải là để luyện nói trong cuộc sống thật đâu! Điều buồn cười với HSK là bạn hoàn toàn có thể chinh phục các kỳ thi cấp cao hơn trong khi giao tiếp vẫn kém. Thực tế này cũng không khác mấy những học sinh đạt điểm cao trong các bài kiểm tra tiếng Anh nhưng nói chuyện với “Tây” thì không hiểu.
2 – HSK vẫn có giá trị của nó chứ!
Mặt khác, tôi không muốn tầm thường hóa HSK. Để vượt qua HSK3, 4, 5, 6, ứng viên phải trải qua một chặng đường dài mà nhiều người khác không bao giờ vượt qua được. Có người sẽ phát xét rằng các cấp độ HSK không đại diện thực sự cho trình độ của bạn, tôi chỉ nghĩ rằng chứng chỉ HSK phản ánh đúng trình độ HSK của bạn. Giáo trình HSK dạy bạn những gì mà kỳ thi HSK sẽ kiểm tra bạn. Bởi vậy, HSK là … HSK, không phải là Tiếng Trung ứng dụng.
3 – Lựa chọn là ở bạn!
Sau khi có HSK3, nếu tập trung leo lên HSK4, 5, 6 thì bạn có thể trở thành một ngôi sao trong kỳ thi HSK, nhưng trên thực tế khó dùng trong công việc và cuộc sống. Và kiến thức level cao của bạn, nếu không được “sống” ngoài đời thì liệu bạn sẽ giữ level cao của mình “sống” được bao lâu? Thay vào đó bạn có thể dành thời gian của mình hiệu quả hơn rất nhiều nếu học được cách dùng Tiếng Trung cơ bản vào ngay chính công việc bạn đang làm hay muốn làm.
1 – Tưởng mình không nói được là do thiếu từ vựng, vì vậy nhồi nhét rất nhiều từ vựng
“Cô ơi, em học rất chăm chỉ. Em dùng thẻ từ vựng, chăm đọc để học từ mới, chăm tra từ điển. Mỗi ngày em thuộc lòng 20 từ, vốn từ vựng của em là 1000, 2000, thậm chí 5000 từ, nhưng tại sao em vẫn nói như một em bé đang tập nói ạ?”
Thật ra, các cuộc hội thoại đâu phải là một đống từ vựng!
Sự chăm chỉ này, là một sự … lười biếng một cách ngây thơ và cố chấp. Tư tưởng “Biết mọi từ là sẽ không có gì khó khăn trong việc hiểu và diễn đạt ngôn ngữ.” là một lời nói dối bạn đang nói với chính mình. Nếu “cày” từ vựng mãi mà chưa nói được, thì xin bạn đừng “cày” thêm nữa!
Hãy học cách nào giúp bạn hiểu sâu hơn về những từ bạn đã biết, cách sử dụng linh hoạt của chúng, và cách nhanh chóng nhớ lại chúng, đó mới là chìa khóa của sự trôi chảy.
Ví dụ, nếu bạn là người có trình độ tương đương HSK 2, 3, sau khi bạn hoàn thành giáo trình hay khóa học HSK thì hãy tìm các chương trình học khác cùng cho level với bạn để học.
Nếu bạn thực sự cần mở rộng vốn từ vựng của mình, đừng chỉ ghi nhớ các từ một mình, thay vào đó hãy cố gắng học thuộc lòng các câu.
2 – Tưởng phát âm tạm bợ là được, có gì sửa dần!
Phát âm không tạm bợ được đâu! Nó tai hại hơn bạn tưởng. Bạn nghĩ phát âm sai là chỉ giảm khả năng nói cho người khác hiểu được thôi ư? Không đâu, tai hại đầu tiên là khả năng nghe hiểu của bạn. Bạn nghe không ra được những từ bạn đã biết, vì trong đầu bạn chúng có âm thanh khác cơ mà! Các âm na ná nhau thì nghe bị “mờ”, không phân biệt được. Tai của bạn hoàn toàn ổn, nhưng hiện tượng “mờ” này vẫn xảy ra với những người phát âm không chuẩn. Rồi từ việc nghe không rõ ràng, bạn đánh mất cơ hội học Tiếng Trung hiệu quả thông qua việc nghe.
3 – Tưởng mình đọc được nghĩa là sẽ nghe nói được
Đọc được chưa chắc đã nghe được (vì phát âm sai như giải thích ở trên). Nghe được chưa chắc đã nói được (vì chỉ nghe mà không kết hợp với nói thì không nói được đâu). Nghe nói phải kết hợp đồng thời mới mang lại hiệu quả. Bạn cần luyện nghe nói phản xạ, và phải nói to, không nói trong đầu. Bạn cần luyện đủ kiểu chủ đề nói, từ giới thiệu bản thân đến hùng biện về một chủ đề, đến hỏi đáp phỏng vấn xin việc. Và bạn cần nhất là phản hồi của người bản ngữ hoặc giảng viên để cải thiện cho bạn.
4 – Tưởng tự học là đủ
Người học thực sự khó có thể tự mình tạo ra một môi trường ngôn ngữ hiệu quả. Ngay cả khi bạn có những người bạn Trung Quốc sẵn sàng trò chuyện với bạn bằng tiếng Trung, thì rất khó để họ đưa ra phản hồi hiệu quả cho bạn. Làm sao họ biết bạn mắc những lỗi nào là do ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn? Vì vậy, nếu có thể hãy học với một giảng viên chuyên nghiệp. Hoặc ít nhất học phương pháp từ một giảng viên chuyên nghiệp.
5 – Tưởng tự nói một mình là… điên, nên không làm
Bên cạnh học phương pháp và luyện với một giảng viên thực thụ, bạn nên “nhập vai” bằng các tài liệu Tiếng Trung ứng dụng trong cuộc sống, ví dụ như các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Trung. Hãy sắm vai là người phỏng vấn hoặc người được phỏng vấn.
Hãy học nhiều các video mô phỏng tình huống đời thực, chú ý ngữ điệu, cảm giác, trọng âm của các từ trong câu, với phụ đề tiếng Việt, pinyin, và tiếng Trung.
Nếu bạn có HSK2, 3, 4 và hỏi tôi giờ làm thế nào để đắm mình trong ngôn ngữ, để ngôn ngữ nó “sống” thì tôi khuyên bạn hãy cứ chọn cách nào bạn thấy mình có thể làm hàng ngày, thường xuyên, liên tục, lâu dài là được. Xem Youtube cũng được, cày phim cũng được. Còn nếu bạn muốn một công đôi việc, thực hành Tiếng Trung và kiếm việc ra tiền, thì hãy học “Tuyệt chiêu thực chiến kiếm việc nghìn đô với Tiếng Trung”.