Hôm nay mình có 30’ tham vấn định hướng tìm việc cho một bạn học viên là Thạc sĩ ngành Y sinh (Biomedical). Em mới ra trường, có Tiếng Trung cơ bản, và đang tìm kiếm cơ hội làm việc cho công ty Đài Loan. Mình nhận ra có 3 băn khoăn chung của những ứng viên như em. Và đây lời giải đáp của mình, nhân đây chia sẻ cho tất cả những học viên của mình, đặc biệt những bạn sinh viên kỹ thuật thì cần đọc kỹ nhé:
Chắc chắn rồi, nếu bạn chưa từng đi làm thực tế ở chuyên ngành này, bạn chưa biết các công ty chờ đợi gì ở một người chuyên ngành như mình. Băn khoăn 1 này đúng là băn khoăn của người trẻ ít kinh nghiệm, nhưng thực sự nghiêm túc với nghề. Và mình rất trân trọng ngững bạn trẻ khiêm tốn và nghiêm túc với nghề như vậy. Mình sẽ không khuyên “Chuyên ngành chưa vững hả? Không sao đâu làm được hết ý mà!”, mà mình sẽ nói là…
Giải đáp:
Các bạn không cần lo lắng. Thực tế đi làm khác xa với đi học. Về kỹ thuật, ban đầu bạn chỉ cần biết cơ bản, vừa đủ để học về những thành quả kỹ thuật sẵn có của công ty thôi! Về sau, bạn vẫn có cơ hội trau dồi chuyên môn thêm bằng các hoạt động đào tạo ngay trong chính công ty, các khóa học, các webinar Quốc tế hoàn toàn miễn phí, về chuyên ngành của bạn. (Mình đã từng tự bổ túc kiến thức chuyên môn bằng cách này, mình có thể chỉ cho bạn).
Nói chung về kỹ thuật, công ty chỉ cần:
1. Bạn tốt nghiệp chuyên ngành phù hợp hoặc thâm chí liên quan thôi cũng được.
2. Bạn có hiểu biết kỹ thuật một cách tương đối về cái mà công ty đang làm.
3. Bạn có tinh thần ham học.
Trước khi bạn đi phỏng vấn thì có nhiều cách để tìm học trước những tài liệu liên quan đến công nghệ của công ty bạn đang nhắm đến mà! Mình cũng có thể chỉ cho bạn cách.
Thế ai sẽ là người được chọn?
Người xuất sắc nhất trên lớp vẫn không phù hợp cho công ty bằng bạn, nếu như bạn có thêm 4 mảng kiến thức này:
1. Kiến thức ngành,
2. Kiến thức thị trường,
3. Kỹ năng giao tiếp trong công sở và với đối tác,
4. Và cuối cùng là nắm bắt được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Mình đã có 4 mảng kiến thức này để cho các bạn một định hướng ban đầu rồi. Quan trọng hơn là mình sẽ cho các bạn công thức, giao bài tập để các bạn đi nghiên cứu đúng những cái mà các bạn cần thôi, sau đó mình phân tích chữa bài, chuẩn bị cho bạn đầy đủ hành trang đi chốt việc.
Băn khoăn 2 này cũng là băn khoăn kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” nhất! Bạn chưa biết chọn ngách công việc nào – nên chọn việc theo hướng kỹ thuật hay làm thị trường nhỉ? Bạn bắt đầu sợ Đông sợ Tây:
Một, sợ chọn thuần về kỹ thuật thì khó cạnh tranh được với ứng viên người Đài cùng chuyên ngành.
Hai, sợ làm thị trường thì tính cách mình còn rụt rè, kỹ năng mình chưa có.
Giải đáp:
Các bạn không cần nghĩ nhiều về 2 lựa chọn này. Câu trả lời là: bạn nên có cả 2.
Không cần “giỏi” cả 2, nhưng nên “có” cả 2 nhé. Vì ngay từ ban đầu, rất nhiều công ty sẽ thích chọn bạn nếu như bạn có một chút của cả 2. Nhất là khi bạn là người nước ngoài, họ hi vọng bạn sẽ đóng vai trò nào đó trong việc mở rộng, củng cố thị trường của họ ở nước ngoài. (Ví dụ: bạn làm bộ phận phát triển công thức dược mỹ phẩm, bạn lại là người Việt, bạn có thể nghiên cứu thị hiếu tâm lý người Việt để ra công thức sản phẩm bán cho thị trường Việt Nam, bạn cũng có thể đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho nhà phân phối của họ tại Việt Nam. Như thế có phải tốt hơn rất nhiều một chuyên viên thuần kỹ thuật không!). Dù bạn chọn sống trong thế giới thuần kỹ thuật, thì có hiểu biết một chút ở thế giới còn lại sẽ cho bạn rất nhiều cơ hội thăng tiến sau này. Mình sẽ chỉ cho bạn cách làm nổi bật cả 2 mảng này trong chính con người của bạn.
Kể cả bạn không đáp ứng như JD của họ, bạn vẫn còn cơ hội cao được tuyển.
Nhà tuyển dụng không cứng chắc đưa ra một hình mẫu rồi nhất định phải tìm được người vừa vặn y xì mới tuyển đâu! Họ suy nghĩ như những nhà đầu tư. Họ nhìn vào bạn như là một tài sản sinh lời, là tổng thể của tất cả kỹ năng và tiềm năng mà bạn mang đến. Rồi họ cân nhắc xem thuê bạn có phải là một sự đầu tư sinh lời không. Bạn có mở ra cơ hội phát triển nào cho công ty không. Nếu bạn không hợp vị trí họ mô tả thì họ sẽ tuyển thêm người khác vào vị trí đó. Và họ vẫn cứ tuyển bạn, sắp xếp cho bạn một vai trò dành riêng cho bạn nếu bạn “đáng để tuyển”.
Cũng… không đến lượt bạn quyết định bạn sẽ làm phòng ban nào trong công ty.
Công ty hiểu rõ hơn ai hết. Họ là “khách hàng” của bạn, bạn “bán” kỹ năng cho họ, họ sẽ quyết. Họ sẽ đề xuất phương án làm việc tạo điều kiện cho bạn phát huy tốt nhất để phục vụ cho họ. Nếu bạn muốn, bạn có thể làm cầu nối giữa bộ phận kỹ thuật và bộ phận phát triển thị trường. Sau đó, nếu bạn làm việc hiệu quả hơn khi chuyên vào 1 mảng (nhảy hẳn sang sales, hay quay về chuyên vào kỹ thuật), thì họ cũng sẽ tạo điều kiện cho bạn.
Có một chân lý hơi ngược đời ở đây là: có đi làm rồi mới biết mình làm gì giỏi và nên làm gì bạn ạ!
Bạn bây giờ vẫn chưa biết được đâu. Hãy nhìn vào thực tế đi, rất nhiều quản lý phát triển thị trường tại công ty Đài Loan có background kỹ thuật nhảy qua, dù hồi sinh viên họ chỉ nghĩ là tốt nghiệp xong sẽ làm ở viên nghiên cứu và không bào giờ nghĩ sẽ đi làm Sales. Và ngược lại, chính mình đây là dân học kinh tế (y sinh là học phụ thêm) nhưng cũng đã có thời làm quản lý bộ phận nghiên cứu chuyển giao công nghệ tại Bệnh viện Quốc tế, định hướng cho các dược sĩ, chuyên viên giỏi về kỹ thuật hơn mình nhiều, chỉ bởi vì mình kết nối được mảng kỹ thuật và nhu cầu thị trường, định hướng kinh doanh của công ty.
Vì vậy, bây giờ bạn đừng nghĩ nhiều mà rối! Việc đầu tiên phải làm là tìm được việc cái đã!
Đến lúc bạn chốt được việc rồi, đi làm rồi, bạn sẽ tự trả lời được. Mình sẽ giúp bạn: dựa vào năng lực của mỗi bạn, cố vấn bạn từ hồ sơ, đến kỹ năng, để làm sáng lên những điểm sáng của bạn, gợi ý ra những cơ hội bạn có thể mang đến cho doanh nghiệp, cho nhà tuyển dụng một lý do thật thuyết phục để họ chọn bạn!
Tiếng Trung của em vẫn còn yếu thì có cơ hội không ạ? Có đủ đi phỏng vấn không ạ? Em phải làm sao ạ?
Giải đáp:
Tương tự điều xảy ra với “chuyên ngành”, yêu cầu về “trình Tiếng Trung” trong công việc cũng bị kiểu thế này: “Thực tế cái mà 1 công ty nào đấy cần, sẽ rất cụ thể theo kiểu của công ty đấy, và sẽ rất khác cái mà bạn có sẵn. Học kỹ đến đâu thì trước khi đặt chân vào một công ty, tất cả đều là lý thuyết thôi!”
Vì thế “thứ” Tiếng Trung cấp bách nhất, thực dụng nhất cho bạn trong giai đoạn chuẩn bị xin việc, chính là: Tiếng Trung thực chiến để kiếm việc cái đã! Bao gồm kỹ năng đọc duyệt các cơ hội việc làm, chuẩn bị hồ sơ, phỏng vấn, đàm phán v.v…
Vậy đấy, một lần nữa mình nhấn mạnh là, hãy làm thế nào để có việc đi đã!
Bây giờ chúng ta KHÔNG có thời gian để học dàn trải, để học nhiều “cho chắc”, để đợi “giỏi đều” rồi mới ứng tuyển, để học “cho vui”, “ngày rộng tháng dài”, “học xong để đấy”, “đi làm người ta đào tạo lại ấy mà!”. Mà chúng ta PHẢI học đúng, học đủ, học tập trung mới kiếm được việc.
Chất liệu Tiếng Trung chúng tôi đưa vào đây là Tiếng Trung thực dụng, cơ bản, dễ hiểu, vỡ lòng. Vì vậy, nếu bạn mới học Tiếng Trung được có… 2 tuần thôi, thì bạn cũng có thể bắt đầu với nó được.
Sau đó bạn nên quay lại bù hổng với các tổ hợp khóa “Giao tiếp HSK1, 2, 3…” nhé!
Sau khi bạn kiếm được việc rồi, đừng dừng lại việc học Tiếng Trung. Việc học hành (tức “học + hành”) của bạn lúc này mới thực sự bắt đầu! Hãy bổ túc song song chương trình Tiếng Trung giao tiếp chuẩn HSK kết hợp với những chương trình đào tạo Tiếng Trung nội bộ tại công ty bạn (nếu công ty bạn có chương trình này). Hoặc đơn giản là thực hành hàng ngày trong công việc, với đồng nghiệp (bạn không muốn thực hành cũng phải thực hành thôi ^^!)
Còn nếu bạn đã hoàn thành level HSK1, 2, 3… sẵn rồi – tuyệt vời, bạn đã có nền tảng. Bạn làm một “liều tăng lực” kỹ năng ứng tuyển bằng Tiếng Trung này là bạn đã sẵn sàng đi săn việc rồi!
Mình biết quá trình phát triển bản thân là một cái vòng luẩn quẩn.
Hay nói đúng hơn là trông thì luẩn quẩn, nhưng thực ra nó có điểm mấu chốt. Và như mình đã chỉ ra cho bạn, điểm mấu chốt chính là có một công việc hẳn hoi. Nơi mà chuyên môn và Tiếng Trung của bạn có cơ hội được thực hành, để bạn tiếp tục xoay vần, để bạn đạt đến một công việc hẳn hoi hơn, một địa vị hẳn hoi hơn sau này. Thế nên, đừng nghĩ luẩn quẩn nữa, hãy bắt đầu từ mấu chốt ban đầu: “Có một công việc tốt”.
Bạn hiểu tất cả những gì mình nói ở trên chứ?
Nếu muốn mình tham vấn riêng cho bạn, thì bạn book lịch coaching 30′ với mình ở ĐÂY, mình sẽ giải đáp giúp bạn miễn phí.